KHOA LỊCH SỬ 33 NĂM TRÊN ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN
TS. Võ Tấn Tú – Trưởng khoa
Trường Đại học Đà Lạt được thành lập ngày 27/10/1976 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở tiếp nhận cơ sở vật chất của Viện Đại học Đà Lạt trước đây (1958). Trường được giao nhiệm vụ đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật về một số ngành mũi nhọn, cần thiết cho hệ thống các viện nghiên cứu khoa học đã và sẽ có ở Đà Lạt. Với nhiệm vụ quan trọng như vậy, ngay từ những năm đầu, trường đã đào tạo một số ngành khoa học cơ bản thuộc lĩnh vực tự nhiên, như: Vật lý hạt nhân, Vật lý điện tử, Sinh học đại cương, Sinh học phóng xạ, Sinh học thực nghiệm, Hóa phóng xạ, Toán cơ bản, Toán ứng dụng…
Khi mới tái lập, trường Đại học Đà Lạt là 1 trong 4 trường đại học tổng hợp của cả nước, đào tạo chủ yếu các ngành thuộc khoa học tự nhiên. Đến năm 1982, Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp ra quyết định chuyển khoa Sư phạm từ trường Đại học Tây Nguyên về trường Đại học Đà Lạt. Các cán bộ giảng dạy của khoa Sư phạm, trường Đại học Tây Nguyên được nhà trường biên chế vào các khoa cơ bản và thành lập khoa Văn-Sử trường Đại học Đà Lạt. Hai năm sau, năm 1984, ngành Lịch sử bắt đầu tuyển sinh đào tạo, có thể nói, đây là mốc quan trọng trong công tác đào tạo cử nhân Lịch sử và ghi dấu ấn về sự trưởng thành của khoa.
Lúc đầu, đội ngũ cán bộ được chuyển từ trường Đại học Tây Nguyên về trường Đại học Đà Lạt là các thầy, cô: Lê Đình Bá, Nguyễn Cảnh Huệ, Nguyễn Thông, Cao Thế Trình, Hoàng Thị Như Ý, Thu Nhung Mlô và một số thầy cô được tăng cường từ Hà Nội vào, như: Nguyễn Khắc Tụng, Lê Hồng Bình, ngoài ra còn có thầy Nguyễn Hồng Giáp, cán bộ cũ của Viện Đại học Đà Lạt. Phải nói đây là đội ngũ cán bộ giảng dạy đầu tiên có mặt tại khoa Lịch sử.
Đến nay, đội ngũ cán bộ giảng dạy của khoa Lịch sử được tăng cường về mọi mặt cả về số lượng lẫn chất lượng. Hiện nay, khoa có 17 cán bộ cơ hữu, trong đó có 1 phó giáo sư, 8 tiến sĩ, 8 thạc sĩ (trong đó 6 thạc sĩ đang là nghiên cứu sinh) và 1 cử nhân. Ngoài ra, khoa còn có hàng chục giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đầu ngành là thỉnh giảng cơ hữu tham gia vào công tác đào tạo các bậc từ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và nghiên cứu khoa học của khoa.
Khoa Lịch sử xin trân trọng ghi nhận công lao to lớn của các thầy, cô đã cống hiến cả công sức và trí tuệ cho quá trình xây dựng và trưởng thành của khoa, như: cố PGS. Nguyễn Gia Phu, PGS.TS Nguyễn Khắc Tụng, TS. Nguyễn Hồng Giáp, GV. Lê Hồng Bình, TS. Thu Nhung Mlô, PGS.TS Nguyễn Cảnh Huệ, GV. Lê Đình Bá, ThS. Nguyễn Công Chất.
Trải qua 33 năm, khoa đã đào tạo hơn 3.000 cử nhân Lịch sử thuộc các hệ đào tạo đã tốt nghiệp, họ đang đảm nhận những công tác khác nhau ở 63 tỉnh thành của cả nước.
Từ một loại hình đào tạo hệ chính quy tập trung bậc đại học, trong quá trình phát triển, khoa còn tổ chức đào tạo cử nhân Lịch sử hệ tại chức từ các khóa 1985-1986 và hệ chuyên tu cho các khóa từ 1997 đến nay tại: Đà Lạt, Nha Trang, Đắk Lắk và đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tế các loại hình đào tạo này.
Từ năm 1995, khoa bắt đầu đào tạo trình độ thạc sĩ, qua hơn 20 năm, khoa đã đào tạo được hơn 100 thạc sĩ tốt nghiệp và hiện nay họ đang công tác tại: các trường đại học, cao đẳng, phổ thông trung học; các viện, trung tâm nghiên cứu; các cơ quan văn hóa, truyền thông; các tổ chức, cơ quan, đoàn thể xã hội của Đảng và chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương; các cơ quan lực lượng vũ trang; cơ quan ngoại giao… trên khắp cả nước. Họ đã và đang có những đóng góp đáng kể vào các ngành và sự phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương mà họ đang công tác.
Năm 2015, khoa bắt đầu đào tạo trình độ tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử Việt Nam và hiện nay có 9 nghiên cứu sinh đang theo học và nghiên cứu tại khoa.
Đào tạo đại học và sau đại học gắn bó chặt chẽ với hoạt động nghiên cứu khoa học, nhiều cán bộ, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên của khoa đã viết giáo trình, sách chuyên khảo, sách tham khảo và công bố các công trình nghiên cứu khoa học dưới nhiều hình thức và chủ trì các đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, cấp tỉnh, cấp trường và các cấp tương đương.
Nhằm đáp ứng mục tiêu đào tạo, khoa đã xây dựng chương trình đào tạo các bậc học (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ) phù hợp với trình độ người học theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, sau khi tốt nghiệp có khả năng giảng dạy, nghiên cứu ứng dụng các ngành như: lịch sử, quan hệ quốc tế, dân tộc học, khảo cổ học, văn hóa học; nghiên cứu gắn với giảng dạy; đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học.
33 năm trên đường phát triển, một chặng đường đã đi qua với biết bao gian nan thử thách nhưng cũng có nhiều thành tích đáng tự hào, đủ để khẳng định uy tín khoa học, năng lực đào tạo của khoa Lịch sử qua các thế hệ. Nhìn về phía trước, bao thử thách đang chờ, những gì đã đạt được sẽ là tiền đề cho những bước phát triển tiếp theo, với những thành tích đã có, chúng ta tin chắc rằng khoa Lịch sử sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu về đào tạo và nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng./.
|