Tên sách: Hôn nhân và gia đình của người Chu ru
Tác giả: TS. Võ Tấn Tú
Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Năm xuất bản: 2016
Số trang: 204
LỜI GIỚI THIỆU
Trước hết, tôi xin cám ơn TS. Võ Tấn Tú đã tin tưởng để tôi đọc bản thảo công trình Hôn nhân và gia đình của người Chu ru ở Lâm Đồng và viết lời giới thiệu.
Hôn nhân và gia đình từ lâu đã là đề tài nghiên cứu của các ngành khoa học như: Nhân học/Dân tộc học, Xã hội học, Luật học... Hôn nhân và gia đình cũng là một lĩnh vực của đời sống xã hội có sức lôi cuốn những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có sức sống lâu dài nhờ gắn liền với đề tài hôn nhân và gia đình. Trong lịch sử nhân loại, không có tộc người nào lại không quan tâm đến hôn nhân và gia đình. Bởi vì, hôn nhân và gia đình, một mặt với chức năng của mình, đã góp phần vào việc duy trì sự tồn tại của chính cộng đồng cư dân đó (tái “sản xuất” dân cư). Mặt khác, hôn nhân và gia đình với nhưng nghi thức và chuẩn mực nhất định lại góp phần làm nên nét văn hoá riêng của mỗi tộc người. Do vậy, nghiên cứu hôn nhân và gia đình của một tộc người không chỉ giúp người đọc có những hiểu biết về phong tục tập quán liên quan đến việc duy trì nòi giống, mà còn góp phần hiểu biết thêm về nền văn hoá đặc trưng của tộc người đó. Nghiên cứu hôn nhân và gia đình của các tộc người cũng góp phần làm rõ quá trình giao lưu tiếp xúc trong tộc người và những biến đổi văn hoá nhìn từ những phong tục tập quán liên quan đến hôn nhân và gia đình.
Chu ru là một tộc người thiểu số thuộc ngữ hệ Malayo - Polinesian cư trú ở các tỉnh Tây Nguyên, chủ yếu là tại Lâm Đồng. Là cư dân thuộc ngữ hệ Malayo - Polinesin, nên yếu tố mẫu hệ được thể hiện rất rõ trong truyền thống văn hoá của mình. Yếu tố mẫu hệ ảnh hưởng và chi phối sâu sắc đến các phong tục tập quán liên quan đến hôn nhân và gia đình.
TS. Võ Tấn Tú là cán bộ giảng dạy của Trường Đại học Đà Lạt, vừa làm công tác quản lý vừa tham gia nghiên cứu khoa học. Các nguồn tư liệu được thu thập trong quá trình điền dã tại các địa bàn cư trú của người Chu ru đã giúp TS hoàn thành cuốn sách Hôn nhân và gia đình của người Chu ru ở Lâm Đồng mà bạn đọc đang có trong tay. Trong công trình này, nhờ tinh thần làm việc nghiêm túc, tác giả đã miêu tả chi tiết, đầy đủ những phong tục tập quán, những kiêng cữ cũng như những nghi thức liên quan đến hôn nhân và gia đình của người Chu ru. Qua sự miêu tả chân thực và khách quan, người đọc nhận thấy rằng những phong tục tập quán của người Chu ru liên quan đến hôn nhân và gia đình không chỉ góp phần tạo nên sự ổn định để phát triển xã hội, mà còn làm nên nét văn hoá riêng của người Chu ru trong bối cảnh cộng cư với các tộc người khác. Cũng trong công trình này, tác giả trình bày những biến đổi trong hôn nhân và gia đình của người Chu ru dưới tác động của các nhân tố khách quan và chủ quan trong bối cảnh của đời sống kinh tế, xã hội Việt Nam.
Cuốn sách Hôn nhân và gia đình của người Chu ru ở Lâm Đồng của TS. Võ Tấn Tú là tài liệu tham khảo cho đội ngũ quản lý văn hoá, cho công tác nghiên cứu, giảng dạy ở các trường đại học về các bộ môn: Nhân học, Văn hoá học, Xã hội học, Việt Nam học,... và cũng là tài liệu cung cấp cho người đọc những nét văn hoá độc đáo của một tộc người cư trú lâu đời ở Tây Nguyên.
Tôi trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc công trình này và hy vọng cuốn sách sẽ góp phần gợi mở trong việc bảo tồn và phát huy các nét văn hoá truyền thống trong bối cảnh hiện nay.
PGS. TS. Phan An
Viện KHXH Nam Bộ
LỜI NÓI ĐẦU
Việt Nam là quốc gia đa tộc người. Qúa trình hình thành cộng đồng quốc gia - dân tộc (Nation - État) gắn liền với cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. Trong suốt tiến trình lịch sử các tộc người không phân biệt số lượng dân cư nhiều hay ít, sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế xã hội, có mặt lâu đời trên lãnh thổ Việt Nam hay mới di cư đến, đều coi Việt Nam là Tổ quốc và đều có những đóng góp cho sự phát triển phồn vinh của nước nhà. Ngày nay, khi toàn cầu hóa như là một xu thế tất yếu, một loạt vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội được đặt ra để các tộc người có thể hội nhập vào dòng chảy chung của nhân loại, hội nhập và phát triển nhưng vẫn bảo lưu được những giá trị văn hóa truyền thống của mình. Trong bối cảnh đó, các tộc người sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam cũng đang hướng tới và gia nhập vào dòng chảy chung có tính thời đại. Sự hội nhập vào dòng chảy chung đó là một thử thách đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, nơi có nhiều thành phần tộc người sinh sống lại có xuất phát điểm thấp trong tương quan so sánh với các nước trong khu vực. Để có thể hội nhập mà không hòa tan, mỗi quốc gia - dân tộc phải thấy được những mặt tích cực cũng như những bất cập, hạn chế của mình, nhất là trong lĩnh vực văn hóa truyền thống để có những giải pháp nhằm phát huy tối đa sức mạnh của văn hóa trong tiến trình phát triển.
Lâm Đồng là tỉnh đa tộc người, hiện có trên 40 tộc người đang sinh sống tại đây. Mỗi tộc người sinh sống nơi đây có nét văn hóa truyền thống riêng góp phần làm phong phú nền văn hóa của Lâm Đồng. Trong số các tộc người sinh sống tại Lâm Đồng, thì Chu ru là một trong năm tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Malayo – Polynesian có dân số ít nhất, ít được các học giả trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu. Do đó, rất nhiều phong tục, tập quán cổ truyền đặc sắc của người Chu ru còn chưa được khám phá, hoặc có chăng cũng chỉ giới thiệu ở mức sơ lược, chưa thỏa đáng so với bề dày lịch sử – văn hóa mà tộc người này đã dày công tạo dựng. Nhằm góp phần tìm hiểu sâu sắc hơn văn hóa của các tộc người sinh sống ở tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi chọn vấn đề Hôn nhân và gia đình của người Chu ru ở Lâm Đồng như là một nghiên cứu trường hợp.
Nghiên cứu về hôn nhân và gia đình của người Chu ru ở Lâm Đồng, là nghiên cứu về văn hóa xã hội mẫu hệ của một tộc người cụ thể, nhằm giới thiệu một cách đầy đủ về hôn nhân và gia đình, làm rõ cấu trúc tổ chức xã hội, góp phần làm sáng tỏ những quan hệ xã hội tộc người cũng như dựng lại lịch sử tiến triển của các hình thức gia đình và hôn nhân, nhằm góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hóa chung của các dân tộc Việt Nam. Qua đó, chúng ta tìm thấy những mặt tích cực để phát huy, đồng thời hạn chế những mặt tiêu cực nhằm xây dựng nếp sống văn minh, vừa hiện đại vừa thể hiện bản sắc tộc người. Nghiên cứu của chúng tôi hướng tới làm rõ quan niệm, quy tắc, hình thức, các bước thực hành trong nghi lễ hôn nhân và vấn đề cư trú sau hôn nhân; loại hình, quy mô, các mối quan hệ trong gia đình, quan hệ giữa gia đình dòng họ, xóm giềng, các chức năng và các nghi lễ trong gia đình; khảo sát những biến đổi trong hôn nhân và gia đình của người Chu ru ở Lâm Đồng hiện nay trong mối tương tác với những biến đổi về kinh tế - xã hội, giao lưu tiếp biến văn hóa giữa các tộc người.
Kế thừa những kết quả nghiên của các tác giả đi trước, trong công trình này, chúng tôi tập trung làm rõ những vấn đề liên quan đến: những quan niệm, nguyên tắc, hình thức, nghi lễ trong hôn nhân; các loại hình, chức năng, mối quan hệ trong gia đình và những nghi lễ liên quan đến gia đình của tộc người Chu ru. Ngoài ra, tác giả quan tâm tìm hiểu thêm về một số lĩnh vực như quan hệ gia đình, vai trò của nữ giới và nam giới trong xã hội mẫu hệ của người Chu ru ở Lâm Đồng. Trên cơ sở những thông tin thu thập được từ những nhà nghiên cứu đi trước, tác giả phân tích và chọn lọc những thông tin quan trọng để đưa vào so sánh với cộng đồng đang nghiên cứu về các vấn đề: kinh tế, văn hoá, xã hội và đặc biệt là quan hệ hôn nhân, nghi lễ trong hôn nhân, quan hệ gia đình, nghi lễ trong gia đình,…
Với những kết quả đạt được, có thể coi đây là một công trình nghiên cứu toàn diện và có hệ thống về hôn nhân và gia đình của người Chu ru ở Lâm Đồng dưới góc độ dân tộc học từ truyền thống đến những biến đổi trong hiện tại. Công trình cũng góp phần cung cấp những thông tin xác thực, có giá trị về mặt khoa học để các nhà hoạch định phát triển, các nhà làm chính sách tham khảo và đưa ra những chính sách phát triển phù hợp đặc điểm của các tộc người thiểu số nói chung và người Chu ru nói riêng.
Được sự động viên, khuyến khích của đồng nghiệp, trên cơ sở kết quả nghiên cứu, chúng tôi biên tập lại in thành sách, với mong muốn cung cấp cho người đọc một cái nhìn đầy đủ hơn, toàn diên hơn và hệ thống hơn về hôn nhân và gia đình của người Chu ru. Công trình của chúng tôi được chia thành các chương như sau:
Chương 1. Những vấn đề lý thuyết và tổng quan địa bàn nghiên cứu. Trong chương này, chúng tôi tập trung trình bày khung lý thuyết về hôn nhân và gia đình, đồng thời khái quát để có một bức tranh chung về tộc người Chu ru ở Lâm Đồng, như: môi trường tự nhiên, dân số, đặc điểm kinh tế, quan niệm về xã hội mẫu hệ, tổ chức xã hội, tín ngưỡng – tôn giáo.
Chương 2. Hôn nhân và gia đình truyền thống của người Chu ru. Trong chương này, chúng tôi trình bày về những quan niệm, loại hình, các nguyên tắc, các nghi lễ, vấn đề cư trú sau hôn nhân truyền thống; hình thái gia đình, các mối quan hệ trong gia đình, quan hệ gia đình và dòng họ, xóm giềng, các chức năng, các nghi lễ trong gia đình truyền thống của người Chu ru ở Lâm Đồng.
Chương 3. Những biến đổi trong hôn nhân và gia đình hiện nay của người Chu ru. Trong chương này, chúng tôi trình bày những biến đổi trong hôn nhân và gia đình hiện nay của người Chu ru ở tỉnh Lâm Đồng dưới sự tác động của những nguyên nhân khác nhau.
Nhân dịp cuốn sách ra mắt độc giả chúng tôi xin chân thành cảm ơn lãnh đạo Trường Đại học Đà Lạt, các khoa, phòng, ban chức năng, đồng nghiệp, quý thầy cô giáo ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đã hỗ trợ, giúp đỡ, tạo những điều kiện thuận lợi để chúng tôi hoàn tất bản thảo. Chân thành cảm ơn PGS. TS. Phan An đã dành thời gian đọc và viết lời giới thiệu.
Không có một công trình nào có thể hoàn thiện, nhất là công trình đó lại nghiên cứu về hôn nhân và gia đình của người Chu ru, một tộc người luôn bị tác động và chi phối bởi các mối quan hệ tương tác giữa các tộc người trong suốt chiều dài lịch sử. Cuốn sách của chúng tôi, mà các độc giả đang có trong tay, như là một miếng khảm nhỏ (cho dù rất hữu ích) trong bức tranh nhiều màu sắc về văn hóa của các tộc người thiểu số trong không gian văn hóa Việt Nam. Chúng ta cần nhiều những miếng khảm nhỏ như thế này để làm cho diện mạo văn hóa của các tộc người thiểu số ngày một sáng tỏ thêm trong tiến trình phát triển và hội nhập hiện nay. Mặc dù đã rất cố gắng, nhưng năng lực của người viết có hạn, nên cuốn sách cũng khó tránh được những hạn chế, thiếu sót. Chúng tôi mong nhận được sự đóng góp chân thành của quý độc giả để chúng tôi có thể hoàn thiện hơn trong những nghiên cứu tiếp theo.
Xin trân trọng cảm ơn.
Tác giả
|