Tên sách: Tây Nguyên dưới góc nhìn nhân học
Tác giả: TS. Võ Tấn Tú (chủ biên)
Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
Năm xuất bản: 2016
Số trang: 379 tr.
LỜI GIỚI THIỆU
Quá trình hình thành cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam gắn liền với quá trình mở rộng lãnh thổ, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền. Tây Nguyên sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam trong bối cảnh như thế. Sự gia nhập của các cộng đồng dân cư ở Tây Nguyên vào cộng đồng quốc gia-dân tộc trong quá trình mở rộng lãnh thổ về phía nam đã làm cho bức tranh văn hóa tộc người thêm đa dạng, phong phú. Văn hóa Việt Nam bao gồm tất cả các nền văn hóa của các tộc người sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, bất luận các cộng đồng đó có mặt sớm hay muộn. Nghiên cứu văn hóa của các cộng đồng dân cư ở Tây Nguyên không chỉ giúp hiểu biết chính nền văn hóa đó, mà còn góp phần hiểu biết sâu sắc hơn, toàn diện hơn nền văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là do chiến tranh, nên việc nghiên cứu văn hóa của các tộc người cư trú ở các tỉnh Tây Nguyên còn bị hạn chế. Để khắc phục tình trạng này, trong những năm gần đây, các nhà khoa học thuộc các ngành khoa học xã hội và nhân văn đã thực hiện nhiều đề tài, hướng tới làm rõ hơn những đặc điểm, những giá trị của các nền văn hóa ở Tây Nguyên, trong mối liên hệ, sự tương tác giữa các tộc người sinh sống trên vùng lãnh thổ cũng như với các tộc người ở Lào và Campuchia.
Trong quá trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học, hội nhập và phát triển, nhiều cơ sở đào tạo đã tổ chức triển khai mở ngành mới và xây dựng đại học nghiên cứu. Trong số nhiều ngành học mới được các cơ sở tổ chức đào tạo trong những năm qua có ngành Nhân học như một ngành khoa học độc lập. Việc triển khai mở ngành học mới đã dẫn đến một thực tế là không chỉ thiếu những giáo trình, mà cả sách tham khảo. Để khắc phục tình trạng này, các cán bộ đang công tác tại các trường đại học, các viện nghiên cứu đã có nhiều cố gắng trong việc soạn thảo giáo trình cũng như thực hiện các đề tài nghiên cứu và công bố các kết quả nghiên cứu, mà cuốn Tây Nguyên dưới góc nhìn nhân học này là một trong những công trình như thế.
Nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên là một công việc đầy khó khăn đòi hỏi các nhà nghiên cứu phải sưu tầm các nguồn tư liệu khá đa dạng và phong phú hiện còn được lưu giữ trong cộng đồng. Trong bối cảnh đó, các cán bộ hiện đang công tác tại Trường Đại học Đà Lạt và các cán bộ đang công tác tại các đơn vị khác đã sưu tầm và xử lý, khai thác một cách có hiệu quả các nguồn tư liệu có liên quan đến lịch sử và văn hóa của các tộc người sinh sống ở Tây Nguyên. Các kết quả nghiên cứu đó là cơ sở cho những bài viết đề cập đến các vấn đề như lịch sử, kinh tế, xã hội và văn hóa. Dù các bài viết hết sức đa dạng, lại được công bố vào những thời điểm khác nhau, nhưng nhờ thu thập và khai thác được các nguồn tư liệu có độ tin cậy cao, nhờ cách tiếp cận đúng, nên những trang viết của cuốn sách đã phác họa một bức tranh toàn cảnh, có sức thuyết phục về văn hóa Tây Nguyên. Cuốn sách mà bạn đọc đang có trong tay không chỉ góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lịch sử, xã hội, văn hóa có liên quan đến vùng đất Tây Nguyên. Do có giá trị khoa học và thực tiễn như vậy nên cuốn sách này có thể được sử dụng để làm tài liệu giảng dạy chuyên đề, tài liệu tham khảo ở các bậc học.
Không có một công trình nào được coi là hoàn thiện, huống chi cuốn sách này lại viết về một vùng đất mà giai đoạn lịch sử có nhiều vấn đề còn đang gây tranh luận và chưa có được sự đồng thuận nhất trí từ các nhà khoa học. Vì vậy, chắc chắn cuốn sách còn nhiều thiếu sót và nhiều điểm chưa làm hài lòng bạn đọc; chỉ mong có thể góp thêm một mảnh khảm nhỏ trong bức tranh nhiều sắc màu về vùng đất Tây Nguyên. Chúng ta cần rất nhiều những bức khảm nhỏ như thế này để cho diện mạo văn hóa, cư dân Tây Nguyên ngày một sáng tỏ thêm.
Tôi trân trọng giới thiệu cuốn sách Tây Nguyên dưới góc nhìn nhân học cùng bạn đọc xa gần và hy vọng rằng những kiến thức trong cuốn sách không chỉ giúp làm giàu tri thức, mà còn có thể giúp ích cho chúng ta trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu và giảng dạy.
Thành phố Hồ Chí Minh tháng 6 năm 2016
NGND.GS.TS Ngô Văn Lệ
(Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH & NV, ĐHQG-HCM)
LỜI NÓI ĐẦU
Tây Nguyên là một địa bàn chiến lược về chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa,… của quốc gia. Đây là địa bàn cư trú của nhiều tộc người, nên cũng là vùng đa văn hóa. Do tính chất của một địa bàn đa tộc người, đa tôn giáo có ý nghĩa quan trọng như vậy nên cho đến nay vùng đất này đã thu hút được sự quan tâm của các ngành khoa học. Nghiên cứu tiến trình lịch sử, những vấn đề văn hóa, xã hội ở Tây Nguyên ngoài việc giúp hiểu biết về lịch sử, văn hóa, xã hội của các tộc người sinh sống ở Tây Nguyên, còn giúp cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong bối cảnh hiện nay.
Trường Đại học Đà Lạt đóng chân trên địa bàn Tây Nguyên, 40 năm qua là nơi đã đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho đất nước và khu vực Tây Nguyên, đặc biệt trường đã đào tạo một số lượng lớn con em các tộc người thiểu số và các cán bộ phục vụ cho Tây Nguyên. Gắn với công tác giảng dạy là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Thời gian qua, các cán bộ cơ hữu và thỉnh giảng của khoa Lịch sử, Trường Đại học Đà Lạt đã sưu tầm và xử lý, khai thác một cách có hiệu quả các nguồn tư liệu có liên quan đến lịch sử, kinh tế, xã hội và văn hóa của các tộc người sinh sống ở Tây Nguyên. Để góp phần giới thiệu những kết quả nghiên cứu về vùng đất và con người Tây Nguyên, chúng tôi tập hợp các bài viết để in trong cuốn sách Tây Nguyên dưới góc nhìn nhân học mà bạn đọc đang có trong tay. Cuốn sách này được xem như là công trình nghiên cứu khoa học tiêu biểu của đội ngũ cán bộ khoa học của khoa Lịch sử trên cơ sở tập hợp các công trình, các bài viết của các tác giả đã được công bố và chưa công bố, đề cập đến các khía cạnh: khảo cổ học tiền sử, sơ sử và lịch sử vùng Tây Nguyên; các chính sách phát triển Tây Nguyên; những vấn đề về lịch sử, kinh tế, xã hội và văn hóa vùng Tây Nguyên. Các bài viết của các tác giả được viết vào các thời điểm khác nhau, nhưng đều hướng tới làm rõ những vấn đề lịch sử, văn hóa, xã hội của các tộc người sinh sống ở Tây Nguyên. Do sự đa dạng và phong phú về thành phần tộc người, về những vấn đề lịch sử của Tây Nguyên, những kết quả nghiên cứu được in trong cuốn sách này còn khiêm tốn; song, sự nỗ lực của mỗi tác giả trong việc trình bày các kết quả nghiên cứu của mình rất đáng trân trọng.
Nhân dịp này, chúng tôi chân thành cảm ơn Ban Giám hiệu Trường Đại học Đà Lạt, các khoa, phòng, ban chức năng và đặc biệt cảm ơn các thầy cô, các nhà khoa học đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để cuốn sách được hoàn thiện, sớm ra mắt bạn đọc. Cám ơn NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện cho cuốn sách đến tay bạn đọc.
Chúng tôi - những người trực tiếp tuyển chọn và biên tập để xuất bản - tuy đã có nhiều cố gắng nhưng do nhiều người viết, lại đề cập đến nhiều nội dung khác nhau, cũng như không thể tránh khỏi một số hạn chế nhất định về mặt chuyên môn, nên có thể chưa đáp ứng được sự mong đợi của độc giả. Chúng tôi thành thật xin nhận những hạn chế đó về mình và mong nhận được sự chia sẻ và lượng thứ từ quý độc giả. Để không ngừng nâng cao chất lượng của những ấn phẩm sau, chúng tôi rất hy vọng nhận được sự đóng góp chân tình và quý báu của quý bạn đọc.
Lâm Đồng, tháng 6 năm 2016
Chủ biên
Võ Tấn Tú
|